Trồng rừng góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển kinh tế
(MTNT) - Trồng rừng góp phần bảo vệ môi trường sống xanh, sạch và phát triển bền vững.
|
Trồng rừng cần đi đôi với bảo vệ rừng tự nhiên, tỷ lệ che phủ rừng tăng là một trong các chỉ tiêu đánh giá phát triển bền vững ở các quốc gia trong bộ chỉ tiêu về tài nguyên và môi trường và chỉ tiêu phát triển bền vững |
Bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống xanh, sạch và phát triển bền vững là một trong những yếu tố góp phần ngăn ngừa các đại dịch. Trong đó, trồng cây gây rừng là cần thiết cho việc bảo vệ môi trường sống.
Các chuyên gia cho rằng, độ che phủ của rừng ở Việt Nam đạt gần 42%, trong khi thế giới bình quân chỉ 29%. Cả nước có tổng diện tích rừng là 14,6 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, rừng trồng là 4,3 triệu ha.
10 năm qua, trung bình mỗi năm toàn quốc trồng được khoảng 230 nghìn ha nhưng có 215 nghìn ha là rừng sản xuất.
Tất nhiên, diện tích rừng trồng mới không thể bù đắp được giá trị của hàng chục nghìn ha rừng nguyên sinh đã bị mất đi hoặc thay thế vào đó là các cây công nghiệp có giá trị kinh tế, do hệ sinh thái, đa dạng sinh học đã bị phá vỡ.
Theo kế hoạch chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu duy trì tỉ lệ che phủ rừng ổn định khoảng 42 - 43%.
Trồng rừng sản xuất khoảng 340.000 ha/năm vào năm 2030, trong đó chủ yếu là trồng tái canh. Riêng hệ thống rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ở miền núi và ven biển sẽ bảo tồn và bảo vệ khoảng 3,3 triệu ha. Trồng rừng phòng hộ, đặc dụng 4.000 - 6.000 ha/năm và phấn đấu phục hồi khoảng 150.000ha rừng.
Tỉnh Bắc Kạn có diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp là 417.538 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên có 272.789 ha, diện tích rừng trồng 100.291 ha.
Với độ che phủ rừng đến năm 2021 đạt 73,4%, tỉnh là địa phương có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước và là tỉnh có tiềm năng rất lớn về phát triển kinh tế lâm nghiệp. Chính vì vậy những năm qua, tỉnh Bắc Kạn luôn xác định phát triển kinh tế rừng bền vững là ngành kinh tế mũi nhọn.
Công tác phát triển rừng trên địa bàn tỉnh luôn được chú trọng. Tỉnh quan tâm chỉ đạo trồng, chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh rừng và nâng cao chất lượng rừng trồng; khuyến cáo các tổ chức, cá nhân trồng rừng gỗ lớn theo hướng thâm canh, chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn.
Căn cứ vào điều kiện địa hình, khí hậu và thực tế sản xuất của người dân, các địa phương tiến hành rà soát, phân vùng trồng các loại cây, đánh giá tiềm năng, nhu cầu của các chủ sở hữu rừng để chuyển đổi theo hướng tập trung nhằm tăng năng suất, chất lượng, đáp ứng đủ nhu cầu cho công tác chế biến với quy mô lớn.
Đồng thời, chủ động nghiên cứu, tuyển chọn đưa vào trồng các loài cây lâm nghiệp có giá trị cao, chú trọng các loài cây lâm nghiệp bản địa có giá trị trên thị trường, nghiên cứu đổi mới phương thức trồng, chu kỳ kinh doanh theo hướng kinh doanh cây gỗ lớn, tiến tới cấp chứng chỉ rừng bền vững cho đa số diện tích rừng trồng.
Giai đoạn 2015 - 2020, toàn tỉnh đã trồng mới được 33.925 ha; năm 2021, toàn tỉnh trồng được 5.156 ha, nghiệm thu 5.134 ha, đạt 144% KH. Chất lượng rừng ngày càng được nâng lên, đến nay, toàn tỉnh đã có 921 ha rừng được cấp chứng chỉ rừng FSC.
Công tác quản lý khai thác lâm sản thường xuyên được các cơ quan chuyên môn thực hiện nghiêm túc. Khối lượng khai thác gỗ rừng trồng ngày càng tăng. Với giá trị trung bình khoảng 120 triệu đồng/ha, thu nhập của người trồng rừng đang được nâng cao.
Ngoài sản phẩm gỗ, với hơn 273.329 ha rừng tự nhiên, việc sử dụng lâm sản ngoài gỗ đã gắn liền với đời sống của các cộng đồng dân cư sống dựa vào rừng. Đây là nguồn tài nguyên quan trọng trong sản xuất lâm nghiệp, đặc biệt là phát triển kinh tế nông thôn miền núi.
Lâm sản ngoài gỗ trở thành nguyên liệu cung cấp cho sản xuất hàng hóa nội địa cũng như xuất khẩu rất đa dạng, bao gồm thực phẩm, dược phẩm, tinh dầu, hàng thủ công mỹ nghệ…
Hiện nay, diện tích trồng cây dược liệu dưới tán rừng ngày càng được nhân rộng, là nguồn thu nhập quan trọng của các tổ chức, hộ gia đình.
Trồng rừng góp phần bảo vệ môi trường sống xanh, sạch và phát triển bền vững. Bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống xanh, sạch và phát triển bền vững là một trong những yếu tố góp phần ngăn ngừa các đại dịch. Trong đó, trồng cây gây rừng là cần thiết cho việc bảo vệ môi trường sống.
Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của rừng và đất lâm nghiệp, các cấp, các ngành và địa phương cần chung sức, đồng lòng phủ xanh đất trống, đồi trọc bằng các loài cây có giá trị cao, theo quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.